Đào Tam Xuân – Nữ quyền trong nghệ thuật truyền thống

Khai thác nghệ thuật truyền thống ở một góc nhìn thời đại hơn, khán giả sau khi trải nghiệm tác phẩm “Nữ tướng Đào Tam Xuân” đã có những chia sẻ:

“Trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam, không ít lần người phụ nữ được khắc hoạ với sự kiên trung, bất khuất lớn lao, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa không kém gì các đấng nam nhi. Đôi khi, sự mạnh mẽ đó vượt ra khỏi những khuôn khổ, trói buộc của lễ giáo phong kiến, tạo ra hình ảnh người phụ nữ không chỉ là người mẹ của các con, người vợ của chồng, mà trở thành một người anh hùng sống chết với lý tưởng của riêng mình.

Tính nữ quyền của vở tuồng cổ này được thể hiện rõ ràng trước nhất qua sự chủ động, tự chủ, đấu tranh vì hạnh phúc của nhân vật Đào Tam Xuân – điều mà hiếm hoi xuất hiện trong các kịch bản tuồng cổ, thể hiện một cách nhìn mới của tác giả, đưa người phụ nữ vươn lên làm chủ vận mệnh của mình.

𝐓𝐢𝐧𝐡 𝐭𝐡𝐚̂̀𝐧 𝐭𝐮̛̣ 𝐜𝐡𝐮̉ 𝐦𝐚̣𝐧𝐡 𝐦𝐞̃

Xuyên suốt vở Tuồng, Đào Tam Xuân được xây dựng là một người phụ nữ độc lập trong suy nghĩ, chủ động trước những cuộc binh biến của đất nước. Tinh thần này là điều vô cùng hiếm thấy trong xã hội xưa, nơi đề cao những quy chuẩn, lễ giáo khắt khe đối với người phụ nữ, biến người phụ nữ chỉ còn là một cái bóng đứng sau người đàn ông, với nghĩa vụ phục tùng người đàn ông như một lẽ hiển nhiên “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

Khi chứng kiến cảnh đất nước loạn lạc, nhân dân lầm than trước những cuộc xâm lược từ ngoại bang, Đào Tam Xuân đã khảng khái xin được sát cánh cùng chồng trấn thủ biên thùy, thay vì an phận nơi trướng rủ màn che. Những lời thoại giàu sức gợi tả của vở Tuồng đã thành công trong việc khắc hoạ nữ tướng Đào Tam Xuân là một người phụ nữ độc lập, tự ý thức được sức mạnh và mong muốn của bản thân, mang phong thái đĩnh đạc, tự tin, bản lĩnh hiếm thấy trong một xã hội trọng nam khinh nữ.

𝐓𝐢́𝐧𝐡 𝐧𝐮̛̃ 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐭𝐢̀𝐧𝐡 𝐲𝐞̂𝐮 𝐭𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝐯𝐨̂ 𝐡𝐚̣𝐧

Song hành với ý thức tự chủ mạnh mẽ đó, nữ tướng Đào Tam Xuân còn có một tình yêu thương to lớn dành cho chồng con, đi kèm với tinh thần cống hiến, xả thân vì giang sơn xã tắc. Tinh thần này của nhân vật càng được tôn vinh hơn nữa khi đặt vào thế đối lập với người nữ tướng Đào Tam Xuân là Hàn Tố Mai. Một Hàn Tố Mai chìm đắm trong sự ích kỷ, nhỏ nhen thường tình. Một Hàn Tố Mai để ngọn lửa căm ghét làm mờ đi lý trí, sẵn sàng vì căm ghét gia đình Trịnh Ân mà lộng quyền, chuốc say vua rồi thay vua đóng ấn, ra lệnh sát hại người huynh đệ đã cùng mình làm nên cơ nghiệp đế vương.

Tình yêu thương của Đào Tam Xuân được bộc lộ rõ nét nhất qua phần cuối vở Tuồng, khi xung đột được đẩy tới cao trào với bi kịch chia ly đầy đau đớn. Khi nữ binh báo hung tin về sự ra đi của chồng con, Đào Tam Xuân đớn đau đến mức đã có những khoảnh khắc đánh mất đi sự tỉnh táo. Trong lúc thần trí rối loạn, người nữ tướng ngỡ như đang nhìn thấy con trai và phu quân trở về. Mạch tâm lý của vở Tuồng ở phân đoạn này nhân vật được triển khai rất chậm, khiến người xem như nghe thấy từng tiếng nấc của người mẹ mất con, người vợ mất chồng.

Giao lưu, biểu diễn nghệ thuật truyền thống

𝐘́ 𝐜𝐡𝐢́ 𝐩𝐡𝐚̉𝐧 𝐤𝐡𝐚́𝐧𝐠 𝐦𝐚̃𝐧𝐡 𝐥𝐢𝐞̣̂𝐭

Nhờ tình yêu thương vô hạn và ý chí độc lập, sẵn sàng làm điều mình tin là đúng đắn, Đào Tam Xuân đã dũng cảm “truyền tiến binh” về triều hỏi tội ông vua đã dám lấy mạng chồng mình một cách vô nguyên vô cớ, một việc làm trái với lễ giáo phong kiến “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. “Tội xông pha đánh Đông dẹp Bắc”, “tội gian lao đắp luỹ xây thành”, từng cống hiến, từng nỗ lực vì đại nghĩa của đấng phu quân Trịnh n, qua lời kể chan chứa tình yêu thương và niềm đau đớn khôn nguôi của Đào Tam Xuân, đã đưa người chồng trở thành một người đồng hành xứng đáng để tô điểm thêm cho sức phản kháng mãnh liệt của người nữ tướng bất khuất, can trường.

Sức phản kháng ấy thậm chí còn đủ mãnh liệt để người nữ tướng trao truyền lại cho đời con bằng tấm lòng người mẹ, khi công tử Trịnh Ấn đã dám thách thức những giáo điều phong kiến hằn sâu vào nếp nghĩ của con người trong xã hội xưa: “Nay chúa coi ta như rác như rơm, ta coi chúa như thù như giặc”, “Quân bất minh thần đầu bang ngoại, phụ bất từ tử biệt tha hương” với niềm tin mãnh liệt “Mẹ dạy con như thế”. Chính điều đó biến nhân vật Đào Tam Xuân trở thành điển hình cho hình tượng người phụ nữ mạnh mẽ, vượt lên khỏi “nữ nhi thường tình” trong xã hội xưa vốn trọng nam khinh nữ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *