Khi vua chúa cũng “sủng ái” Tuồng

Khi vua chúa cũng “sủng ái” Tuồng

Trong kho tàng nghệ thuật truyền thống Việt Nam, Tuồng vốn là một loại hình sân khấu hết sức độc đáo. Không chỉ là món ăn tinh thần khoái khẩu của nhân dân lao động, dưới thời nhà Nguyễn, Tuồng còn không ít lần chinh phục được thị hiếu của vua chúa và giới quý tộc. Hãy cùng Nhà hát Tuồng Việt Nam tìm hiểu về cách vua quan triều Nguyễn “sủng ái” Tuồng trong bài viết này nhé!

Không có mô tả ảnh.

Người người Tuồng, nhà nhà Tuồng

Dưới triều Nguyễn, Tuồng không chỉ được yêu thích bởi tôn thất hoàng gia mà còn cả văn võ bá quan trong triều. Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi nhận “bầy tôi nhiều người hay hát tuồng ở sảnh ngự làm vui”. Rất nhiều gia đình vương tôn, quý tộc, quan lại trong triều Nguyễn có nuôi đoàn hát Tuồng và dựng rạp tư nhân. Đặc biệt, thời vua Gia Long còn có vị đại thần Nguyễn Đức Xuyên, ham mê Tuồng đến mức “chi rất rộng, lập ra ban tuồng có bộ nam, bộ nữ, vợ lẽ, nàng hầu xen lẫn trong bộ nữ”. Điều này khẳng định mức độ “sủng ái” vô cùng lớn lao mà triều đình Huế dành cho Tuồng.

Không có mô tả ảnh.

Không có mô tả ảnh.

Mê Tuồng “không lối thoát”

Phong trào xem và diễn Tuồng càng phát triển trong triều, các đoàn hát do vương tôn, quan lại trong triều thành lập lại càng mọc lên nhiều như nấm sau mưa. Thời này, cũng vì mê Tuồng “không lối thoát” mà trong triều đình xuất hiện không ít chuyện dở khóc dở cười. Có khi đánh nhau vì một con hát, như câu chuyện đã được Quốc sử quán ghi lại: “Kiến An công Đài có đứa ở trốn đến làm con hát ở nhà Thống chế Kinh tượng là Phạm Văn Điển, Công sai bọn hầu chè là Lê Đình Nhượng đến bắt, Điển cùng con là Thân đánh bị thương”. Có khi những thân vương triều Nguyễn tán gia bại sản chỉ vì không thể “đu” Tuồng, không cạnh tranh nổi với những đoàn hát khác. Sức hút của Tuồng đối với giới cung đình quả thực là vô cùng khó cưỡng!

Không có mô tả ảnh.

Đãi ngộ nhân tài

Chính bởi độ “hot” của Tuồng, các diễn viên Tuồng ở thời Nguyễn cũng được nhận những mức đãi ngộ chưa từng có trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Kể từ thời vua Minh Mạng, những nghệ nhân Tuồng giỏi trong dân gian được triều đình tuyển chọn, sung vào Thanh Bình thự, nơi dành riêng cho các đoàn nghệ nhân biểu diễn trong những ngày lễ, tiết của vua chúa trong triều. Thanh Bình thự được xếp vào ngạch binh, các nghệ nhân ở đây được sắc phong chức tước như binh sĩ, nhận các chế độ đãi ngộ tương đương với lính tráng phục vụ trong quân đội như miễn sai dịch, thuế thân… Đổi lại, các nghệ nhân Tuồng phải tuân thủ chặt chẽ các vấn đề về lễ nghi cung đình do bộ Lễ ban hành.

Không có mô tả ảnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *