Nhạc Cụ Trong Nghệ Thuật Tuồng Truyền Thống

Nghệ thuật Tuồng là một hình thức sân khấu ca kịch kết hợp nhiều yếu tố nghệ thuật, trong đó âm nhạc đóng vai trò vô cùng quan trọng. Âm nhạc không chỉ đệm cho hát, múa hay các hiệu ứng sân khấu như phong ba, chiến trận mà còn diễn tả cảm xúc nhân vật trong những lớp diễn không lời, kết nối thế giới nội tâm nhân vật với khán giả.

Sự phối ngẫu “bác học” của nghệ thuật Tuồng

Tuồng được biết đến như một loại hình sân khấu bi hùng, nơi những nỗi đau thương và sự hùng tráng được đẩy lên đến cực điểm. Tiếng trống thúc quân, tiếng kèn xung trận kết hợp với tiếng quân reo tạo nên khung cảnh chiến trường sống động, khiến cho khán giả hồi hộp, nín thở. Rồi những đoạn chia li tang tóc thì tiếng Kèn như gào thét, như oán than… Âm nhạc của Tuồng, với những âm sắc độc đáo và hiệu ứng mạnh mẽ, thể hiện giá trị thẩm mỹ của loại hình nghệ thuật “bác học” mà người ta thường gọi.

Âm nhạc Tuồng tuân theo những nguyên tắc nghiêm ngặt, gọi là “lề lối,” được đúc kết qua nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa. Những nguyên tắc này tạo nên một hệ thống âm nhạc độc đáo, khác biệt hoàn toàn với các loại hình sân khấu khác. Trống dẫn dắt mọi nhịp điệu sân khấu, từ những bước chân ra vào, những câu thoại, đến những điệu múa. Trống, kèn, đồng la phối hợp chặt chẽ, tạo nên sự đồng điệu hoàn hảo giữa âm nhạc và diễn xuất, nâng tầm cảm xúc của khán giả.

Ngoài còn có rất nhiều các nguyên tắc giữa sự phối hợp của các nhạc cụ với nhau, tùy theo từng bài bản cụ thể mà phối hợp khác nhau. Mỗi một bài bản đều có nguyên tắc phối hợp riêng. Có bài thì trống trước, sau đó đến kèn, kèn thổi đến câu nào thì trống mới được tiếp tục đánh, và đánh kiểu gì thì cũng phải theo nguyên tắc lề lối quy định. Có bài thì trống trước, sau đó đến đồng la rồi mới đến kèn, và khi ra vĩ thì kèn phải dứt để dàn nhạc vào…và khi các nguyên tắc này được phối hợp với diễn và hát thì nó tạo được hiệu quả mà không loại hình sân khấu nào khác đạt được.

Các hình thức diễn tấu chính trong Tuồng

Rao, Dạo

Là những câu nhạc mang tính ứng diễn, ngẫu hứng, ngắn dài khác nhau tùy theo cảm hứng và trình độ của từng nhạc công. Rao, dạo giúp gợi mở tâm lý nhân vật và hỗ trợ diễn viên bộc lộ cảm xúc. Điểm tựa cho diễn viên không bị chênh hơi lạc giọng.

Tòng Đệm Cho Hát

Sân khấu Tuồng có những bài bản về các thể loại nhịp như nhịp 1, 2, 3, 4…. hoặc những làn điệu như Thán, Oán, Ngâm,Vịnh…Người nhạc công phải nắm được và tòng theo giai điệu của bài hát. Họ đệm theo giai điệu bài hát một cách sáng tạo, không nhất thiết phải bám sát từng nốt nhạc, có thể sáng tạo mà vẫn đảm bảo sự “ăn khớp” với diễn viên. Sự phối hợp này tùy thuộc vào khả năng của nhạc công và tính năng của từng nhạc cụ.

Đệm Cho Nói và Hát

Đây là thể loại bài bản chính của Tuồng, có điểm đặc trừng khiến cho Tuồng khác những loại hình sân khấu ca kịch khác – nơi giai điệu hát và nhạc đệm đi riêng nhưng lại hòa quyện, hỗ trợ lẫn nhau để thể hiện lời văn, ý thơ một cách sâu sắc, trọn vẹn.

Cơ cấu cho một dàn nhạc Tuồng

Trong một dàn nhạc Tuồng có rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Nhưng có 3 loại nhạc cụ đặc trưng và không thể thiếu đó là: Trống, Kèn, Nhị.

Trống

Trống gồm có trống cái, trống chiến, trống ban – mỗi loại trống có vai trò riêng, từ tạo hiệu ứng cho những cảnh chiến đấu đến hỗ trợ các phân đoạn tâm lý sâu sắc của nhân vật.

Trống cái (hay còn gọi là trống sấm) được sử dụng cho việc đánh Chầu, những nghi lễ đăng đàn bái tướng, tế lễ, những hiệu ứng phong ba bão tố, điểm ra vào cho những vị đại Tướng, những tình huống khẩn cấp của nhân vật uy quyền hoặc những lớp diễn đông người như tiến binh, chạy giặc…

Trống chiến được sử dụng cho những lớp đánh nhau, hoặc những chỗ phối hợp cùng với trống ban và kèn để tạo hiệu quả phong phú về màu sắc âm nhạc.

Trống ban hay còn gọi là ban văn, loại trống được dùng nhiều nhất. Hầu như nhân vật nào, hành động sân khấu nào cũng dùng đến thể loại trống này. Từ ánh mắt, bước chân, điệu hát, động tác múa. Từ lời nói cho đến những lớp diễn không lời…nhạc cụ trống ví như người bạn đồng hành cùng nhân vật. Nó đan xen, hòa quyện với vai diễn, không những làm cho trạng thái tâm lí nhân vật được rõ nét, mà còn hỗ trợ cho các hành động nhân vật đạt tới sự bạo liệt hào hùng.

Ngoài ra bên cạnh trống còn những nhạc cụ thuộc bộ gõ không thể thiếu được như Đồng La, Chiêng, Mõ.

Kèn

Trong sân khấu Tuồng, có ba loại kèn được sử dụng:

  • Kèn tiểu, thường xuyên xuất hiện trong các bài bản hoặc những tình huống có sự tham gia của kèn.
  • Kèn trung, dùng cho một số bài bản và các lớp diễn chiến trận.
  • Kèn đại, được sử dụng trong những lớp diễn thể hiện sự sắp chết của nhân vật hoặc khi hồn ma xuất hiện.

Nhị

Nhị 1 (đàn cò) là nhạc cụ không thể thiếu trong việc phục vụ cho phần hát trong Tuồng. Nó có vai trò chủ động từ những đoạn rao dạo gợi cảm, duy trì bậc giọng cho diễn viên, cho đến việc vào đầu của các thể loại bài bản. Đặc biệt, nhị 1 mang đến âm thanh sắc nét, gần gũi với giọng hát Tuồng, rất hiệu quả trong việc thể hiện các sắc thái âm nhạc như xuân, ai, bắc, oán. Với khả năng tạo ra những âm thanh kéo dài, nhị 1 giúp diễn viên dễ dàng bắt được hơi nhạc. Chính vì vậy, trong Tuồng, nhị 1 được gọi là “nhị chính.”
Nhị 2 và Hồ tiểu dù không có vai trò chủ đạo như nhị 1, vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc làm phong phú thêm màu sắc âm nhạc và làm dịu đi âm thanh của nhị 1 trong một số bài bản buồn. Do được sử dụng với dây lớn hơn, nhị 2 và Hồ tiểu tạo ra âm thanh trầm hơn, mang lại sự hài hòa và cân bằng trong dàn nhạc.

Đàn Bầu (độc huyền cầm)

Với một dây duy nhất và cách tạo âm qua âm bồi, không phải âm thanh tác động trực tiếp vào dây đàn, đàn Bầu có thể thể hiện được tất cả các thể loại bài bản, cũng như các tính chất trong âm nhạc Tuồng, nhưng đặc biệt hiệu quả trong các tác phẩm mang tính chất buồn, với âm thanh nỉ non, ai oán. Chính vì vậy, đàn Bầu đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự hòa quyện hoàn hảo của dàn nhạc Tuồng.

Đàn Thập Lục (đàn tranh)

Đàn Thập Lục, một cây đàn gẩy đầy màu sắc trong dàn nhạc Tuồng, với 16 dây sắt, tạo ra âm thanh trong trẻo, tinh khiết. Nhờ vào sự trong trẻo của âm thanh, phong phú và đa dạng trong cách đánh, đàn Thập Lục thể hiện một cách xuất sắc mọi bài bản và sắc thái âm nhạc của Tuồng, làm dày thêm và làm phong phú hơn âm thanh của dàn nhạc. Đặc biệt, khi vuốt từ thấp lên cao hay từ cao xuống thấp, đàn tạo ra âm thanh giống như tiếng nước chảy, vô cùng hiệu quả trong các lớp diễn có động tác khỏa nước hoặc khi mô phỏng dòng suối trong vắt. Chính vì những đặc tính này, đàn Thập Lục đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự hòa âm tuyệt vời của dàn nhạc Tuồng.

Đàn Nguyệt (đàn kim)

Đàn Nguyệt là một nhạc cụ đặc trưng, mang đậm màu sắc trong dàn nhạc Tuồng. Với hai dây cước, âm thanh của nó trầm lắng, đục và có sự mượt mà trong từng gẩy nhẹ nhàng, thanh thoát, khiến nó còn được mệnh danh là “quân tử cầm”. Đàn Nguyệt phù hợp với nhiều loại bài bản, từ những giai điệu buồn bã, vui tươi, nhí nhảnh cho đến những khúc nhạc quyết liệt, mạnh mẽ. Khi kết hợp cùng Nhị, Bầu, và Thập Lục, đàn Nguyệt càng làm nổi bật vai trò không thể thiếu trong sự hòa quyện và sức sống của dàn nhạc Tuồng.

Âm nhạc dẫn dắt cảm xúc

Trong sân khấu Tuồng, âm nhạc không chỉ là nền tảng cho những câu chuyện, mà còn là những câu chuyện của cảm xúc. Mỗi tiếng nhạc vang lên là những cầu nói thầm lặng, gửi gắm tất cả những tâm tư của nhân vật đến khán giả.

Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhạc cụ này không chỉ làm tăng hiệu quả biểu cảm cho vai diễn mà còn tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn đặc trưng của nghệ thuật Tuồng, làm say đắm lòng người. Như các bậc tiền nhân từng nói, “diễn viên với nhạc như cá với nước” – một mối quan hệ không thể tách rời, làm nên linh hồn của sân khấu Tuồng.

Không chỉ những khán giả, người nghệ sĩ cũng thông qua âm nhạc mà đạt tới được cảm xúc của nhân vật, thể hiện hết tất cả tâm tư, tình cảm mà nhân vật thể hiện ra. Nghệ thuật Tuồng là nghệ thuật của sự bi hùng, tất cả các cảm xúc của nhân vật đều được đạt tới đỉnh điểm, vì thế người nghệ sĩ và dàn nhạc có vai trò vô cùng quan trọng, tạo nên những hiệu quả sân khấu đạt tới giá trị thẩm mỹ của môn nghệ thuật “bác học”.

Âm nhạc trong Tuồng không chỉ đơn thuần là những âm thanh bổ trợ, mà là linh hồn của vở diễn, gắn bó mật thiết với từng hành động và cảm xúc của nhân vật. Qua những nhạc cụ truyền thống, âm nhạc không chỉ giúp khán giả hiểu rõ hơn về câu chuyện mà còn khiến họ hòa mình vào thế giới của Tuồng, cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Chính sự phối hợp hài hòa giữa âm nhạc và diễn xuất đã làm nên sự thành công và đặc sắc của Tuồng, giữ cho bộ môn nghệ thuật này mãi trường tồn với thời gian.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *