Tính Nhân Dân Trong Nghệ Thuật Tuồng Nhìn Từ Tư Tưởng Hồ Chí Minh

Trong nghệ thuật truyền thống của dân tộc, tuồng không chỉ chiếm vị trí quan trọng được sử dụng trong nghệ thuật cung đình phục vụ cho vua chúa mà còn như nơi thể hiện rõ quan điểm của nhân dân và phục vụ cho lý tưởng của nhân dân. Vì vậy, tính nhân dân trong nghệ thuật tuồng chính là yếu tố cấu thành bản sắc và sức sống lâu bền của loại hình sân khấu này. Từ ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh – với tinh thần đặt nhân dân vào vị trí trung tâm của mọi hoạt động cách mạng, văn hóa – việc nhìn lại nghệ thuật tuồng giúp chúng ta hiểu rõ hơn vai trò của quần chúng trong tiến trình phát triển văn hóa dân tộc.

Hình ảnh Nhà hát Tuồng Việt Nam tại Trại giam Suối Hai Ba Vì, Hà Nội

Quan niệm về nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân là kết tinh của truyền thống yêu nước, nhân văn của dân tộc Việt Nam kết hợp với tinh thần chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó nhân dân không chỉ là người thụ hưởng mà là chủ thể của lịch sử, là động lực và mục tiêu của cách mạng. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Với Hồ Chí Minh, nhân dân là toàn thể đồng bào không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, già trẻ, mà kết nối với nhau bằng sợi dây văn hóa, lịch sử, và tình yêu nước.

Từ góc độ nghệ thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” và “văn nghệ sĩ phải đi sâu vào quần chúng, phục vụ quần chúng, phản ánh chân thực cuộc sống của nhân dân”. Đi từ điểm nhìn này, soi chiếu vào tuồng ta sẽ thấy được tính nhân dân sâu sắc trong môn nghệ thuật này.

Vai trò của nhân dân trong sự hình thành và phát triển nghệ thuật tuồng

Nhiều người thường đánh đồng tuồng với sân khấu cung đình, có nghĩa là tuồng phục vụ cho tư tưởng phong kiến của vua chúa, từ đó phủ nhận tính nhân dân của loại hình này. Tuy nhiên, khi nhìn từ lịch sử và bản chất hình thành, ta thấy rõ quần chúng nhân dân – đặc biệt là nông dân và nho sĩ bình dân chính là người sáng tạo và nuôi dưỡng nghệ thuật tuồng từ thuở ban sơ. Những phường tuồng lưu động, những đoàn hát ở các làng quê từ Bắc chí Nam đã luôn gìn giữ và lan tỏa các giá trị của tuồng, cả trong nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.

Từ học thuyết mỹ học Mác – Lênin, ta hiểu rằng nghệ thuật chân chính bao giờ cũng phản ánh đời sống, lợi ích, và khát vọng của nhân dân. Dù từng bị triều đình phong kiến sử dụng để ca ngợi lý trung quân ái quốc, vua hiền tôi sáng, nhưng tuồng không bao giờ chịu khuất phục làm sản phẩm thuần túy của giai cấp thống trị. Vào thời Tự Đức, để củng cố cho thời kỳ phong kiến đang bị suy tàn cực độ, nhà vua đã cho triệu tập các vở tuồng được diễn trong “phường bản” về kinh để “chỉnh lý”, “gạn lọc yếu tố dân chủ”, hành động đó đã cho thấy bản thân sân khấu tuồng vốn chứa nhiều yếu tố bất bình với quyền lực phong kiến – đây có thể gọi là những mầm mống của tư tưởng dân chủ của nhân dân ta.

Thêm vào đó, sự phát triển của tuồng không thể tách rời vai trò của khán giả bình dân, bởi họ là những người nuôi sống nghệ sĩ bằng “tình nghĩa bà con, tri kỷ”. Không phải ngẫu nhiên mà các phường tuồng xuất hiện khắp nơi, từ đồng bằng Bắc Bộ đến Trung Kỳ, Nam Kỳ. Trong các dịp hội làng, tế lễ, các rạp hát tuồng không chỉ là không gian giải trí, mà còn là nơi cộng đồng khẳng định bản sắc, thể hiện nguyện vọng, và cùng chia sẻ những giá trị đạo lý.

Tuồng nhờ đó mà tồn tại trong “giao thoa hai chiều” giữa người diễn và người xem, giữa kẻ biểu đạt và cộng đồng tiếp nhận. Nhân dân ta xem tuồng không đơn thuần để thưởng thức, mà họ đồng cảm, phản biện, và đôi khi tham gia vào chính hành vi tiếp nhận mang tính thẩm định, khiến nghệ thuật tuồng không thể bị đóng khung trong khuôn mẫu chính trị phong kiến.

Tính nhân dân trong nội dung và tư tưởng của tuồng

Nội dung các vở tuồng không chỉ đơn thuần ca ngợi lòng trung quân hay tiết nghĩa theo lối phong kiến mà còn phản ánh tinh thần yêu nước, tinh thần phản kháng hôn quân bạo chúa, đề cao công lý và nhân phẩm con người – điều này thể hiện khát vọng của người dân dưới chế độ phong kiến. Nhân vật anh hùng trong tuồng không nhất thiết phải là tầng lớp quý tộc mà có thể là những người xuất thân dân dã nhưng mang tinh thần bất khuất, hy sinh vì đại nghĩa như Trưng Trắc, Trưng Nhị trong vở Trưng Nữ Vương do Phan Bội Châu sáng tác.

Trong đạo đức phong kiến, chữ “trung” được biểu thị qua câu nói: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” (Vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chịu chết là bất trung) nhưng cũng có một câu nói “vua xem bầy tôi như cỏ rác, thì bầy tôi cũng xem vua như thù địch”. Ở trong tuồng, ý thứ hai luôn được nhấn mạnh rõ nét, chẳng hạn như vở tuồng “Trảm Trịnh Ân”, nhân vật Đào Tam Xuân đã gạt bỏ chữ “trung” để giữ lại chữ “tình”, sẵn sàng xử tội tên vua ham mê tửu sắc, giết hại trung thần để rửa hận cho chồng con:

“Chúa giết chồng lòng quá đỗi thảm thê
Ấn ơi , Con lìa mẹ nghĩ càng thêm uất ức 
Triệu chúa , ơi hỡi 
( Bóp ) Như ta là : Hận như biển mênh mông
Thù tựa non chồng chất 
Cờ võ trạng ta xé vò tan nát
Trốn kinh thành đạp phá tan hoang.”

“Hỡi hôn quân thị bất nhân
Nỡ lòng ân đã quên tình cố hữu
Hạ sát đấng trung thần
Quyết ra đi rửa hận
Thề vẹn nghĩa châu trần.
Truyền tiến binh!”

Ý thức chống vua hay phê phán, vua luôn dựa vào hiện thực xã hội mà vị vua cư xử với nhân dân như thế nào. Khi Tự Đức hạ bút đầu hàng thực dân Pháp, nhân dân ta vô cùng bất bình kéo theo đó một loạt các vở tuồng “chuyện xưa viết lại” (mượn tích Trung Quốc để phản ánh xã hội Việt Nam) và cũng từ đó mà các vở tuồng liên tiếp ra đời được biểu diễn tại các xóm làng miền Trung như: Cổ Thành, Hộ Sanh đàn, Hoàng Phi Hổ quá quan,…Ở cuối triều Nguyễn, có xuất hiện các vở tuồng lịch sử Việt Nam, như “Trưng nữ vương” (1911) của Phan Bội Châu, “Thù chồng nợ nước” (1925) của Hoàng Tăng Bí, “Đông A song phụng” (1916) của Nguyễn Hữu Tiến, tuy về mặt hình thức nghệ thuật thì thua xa so với các vở tuồng thầy, tuy nhiên vẫn được quần chúng nhân dân nồng nhiệt đón nhận. Vì vậy có thể thấy, các vở tuồng bằng một cách nào đó luôn vượt qua khuôn khổ của lễ giáo phong kiến mà lồng ghép phản ánh chân thực tư tưởng của quần chúng nhân dân, khơi gợi tinh thần đoàn kết dân tộc, vùng lên chắc chắn sẽ thắng lợi.

Bên cạnh đó, vai trò của nhân dân trong nghệ thuật tuồng không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn được kết tinh kéo dài đến hiện đại. Đặc biệt, vở diễn “Không còn đường nào khác” chính là minh chứng cho điều ấy. Bằng cách tái hiện tinh thần của phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre – nơi nhân dân, đặc biệt là các bà, các mẹ, các chị, đã vùng lên từ lao khổ với mong muốn được giành độc lập, tự do. Qua đó cho thấy, tuồng làm sống lại ý chí kiên cường của quần chúng nhân dân, và đồng thời tri ân những người anh hùng hy sinh để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Có thể thấy, tuồng đã và đang hòa quyện vào dân. đưa nhân dân vào trong nguồn cảm hứng sáng tác và “sống” hết mình vì người dân.

Tóm lại, nghệ thuật tuồng không chỉ mang tính nhân dân ở chỗ nó được sáng tạo và yêu thích bởi quần chúng, mà sâu xa hơn, nó đã góp phần thể hiện khát vọng nhân dân, phản ánh mối quan hệ giằng co giữa quyền lực và đạo lý, giữa áp bức và phản kháng. Như vậy, nghệ thuật tuồng – nếu được nhìn từ tư tưởng Hồ Chí Minh – vẫn là một kho tàng quý giá thể hiện rõ tư tưởng văn hóa nhân dân, đáng để chúng ta trân trọng, bảo tồn và phát huy.

Tài liệu tham khảo: 
1. Mịch quang (2017), Tìm hiểu nghệ thuật tuồng, NXB Quân đội nhân dân.
2. Hoàng Chương (2018), Nghệ thuật tuồng – Di sản quý của dân tộc, NXB Sân khấu.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *