An Tư Công chúa, vở tuồng lâu đời nhất gắn với lịch sử ra đời của Nhà hát Tuồng Việt Nam

Vở tuồng “An Tư Công chúa” có ý nghĩa quan trọng đối với Nhà hát Tuồng Việt Nam. Đây là một trong nhiều tác phẩm được cho là kinh điển của nhà hát, được công diễn lần đầu tiên vào năm 1959. Tác phẩm đã góp phần nâng cao vị thế của Nhà hát Tuồng Việt Nam trong nền nghệ thuật sân khấu và đã được biểu diễn trong và ngoài nước, được khán giả yêu thích và đánh giá cao.

“An Tư Công chúa” được sáng tác bởi tác giả Tống Phước Phổ, một nhà soạn tuồng nổi tiếng của Việt Nam. Bối cảnh ra đời vở tuồng An Tư công chúa gắn liền với bối cảnh lịch sử của đất nước Việt Nam. Vào thời điểm đó, đất nước Việt Nam đang trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong bối cảnh đó, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã ra đời nhằm cổ vũ tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của dân tộc. Tác phẩm là một trong những thành công tiêu biểu góp phần đem đến cho tác giả Tống Phước Phổ đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh.

Với hơn 60 năm tuổi đời, “An Tư Công Chúa” vừa qua đã được Nhà hát Tuồng Việt Nam phục dựng, trở lại với diện mạo mới song vẫn giữ được những giá trị nghệ thuật vốn có của tuồng cổ. Để tái hiện lại những sáng tạo của đội ngũ dàn dựng trước quả là khó khăn đối với nhà hát, khi toàn bộ đội ngũ sáng tạo hơn 60 năm trước đều đã mất. Với quyết tâm phục hiện lại một vở mang tính mẫu mực, đánh dấu một thời kỳ phát triển của nhà hát, ban giám đốc và các nghệ sĩ đã vượt qua mọi khó khăn để tái hiện vở diễn kinh điển này.

Nội dung vở diễn tập trung khai thác giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời công chúa An Tư – em của Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và là cô ruột của vua Trần Nhân Tông. Khi quân Nguyên Mông do tướng giặc Thoát Hoan xâm lược Đại Việt lần thứ hai, đánh vào kinh thành Thăng Long. Chiến sự buổi đầu bất lợi, một số tôn thất nhà Trần đầu hàng giặc. Để kìm hãm quân giặc, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông quyết định dùng mỹ nhân kế. Công chúa An Tư chấp nhận gạt tình riêng, hy sinh bản thân để trở thành “cống vật”, làm thiếp của tướng giặc Thoát Hoan. Nàng làm nội gián, hóa thành ngọn lửa sống dẫn đường cho quân nhà Trần, khiến Thoát Hoan phải chạy tháo thân…

“An Tư Công Chúa”, vở diễn lịch sử lâu đời nhất gắn với sự ra đời của Nhà hát Tuồng Việt Nam, An Tư như một hình ảnh liên hệ tới sự dũng cảm dám hy sinh vì đất nước, dân tộc. Nhiều lứa nghệ sĩ đã hóa thân thành công vai công chúa An Tư, hình ảnh An Tư công chúa sẽ còn sống mãi với nhân dân, cũng như ngọn lửa đam mê cháy bỏng của những nghệ sĩ tuồng sẽ còn cháy mãi, chúng âm thầm, bền bỉ, tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nguồn ảnh: Ngạo Thuyên ThảoNguyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *