Người ta thường nói, diễn viên là những người sống được nhiều cuộc đời. Trên sân khấu lung linh ánh đèn, người diễn viên Tuồng khoác lên mình bộ trang phục lộng lẫy, họa trên khuôn mặt những gam màu sắc sảo, rực rỡ của nhân vật đề cùng vui buồn, yêu thương, ai oán, và xót xa. Trái tim và tâm hồn của họ hòa làm một với từng số phận trên sân khấu, cho đến khi đèn tắt và bức màn nhung khép lại, họ mới tạm rời xa thế giới kỳ diệu ấy mà trở về với hiện thực – nơi những tất bật của đời nghệ sĩ đang chờ đợi họ phía sau.
Rốt cuộc, đằng sau lớp mặt nạ ấy là gương mặt của ai? Đằng sau những khoảnh khắc bi hùng trên sân khấu là một cuộc sống như thế nào? Hãy cùng Nhà hát Tuồng Việt Nam khám phá câu trả lời qua những chia sẻ chân thành từ hai diễn viên chính của vở “Đoạn thâm tình” ra mắt vào ngày 18/1 sắp tới – NSƯT Trần Văn Long và NSƯT Nguyễn Thị Quyên. Là cặp vợ chồng ngoài đời thực, câu chuyện về cuộc sống và hành trình nghệ thuật của họ hứa hẹn sẽ mang đến cho Quý khán giả yêu Tuồng một góc nhìn thú vị, hé lộ những phần đời ít ai biết đến của người nghệ sĩ khi cởi bỏ lớp hào quang quen thuộc.
Hỏi: Anh chị có thể chia sẻ về lần đầu gặp nhau? Có phải chính nghệ thuật Tuồng đã kết duyên anh chị?
NSƯT Trần Long: Tôi quê Thanh Hóa, còn Quyên quê Bắc Ninh. Từ nhỏ, tôi đã yêu thích các làn điệu dân ca và có cơ duyên thử sức với bộ môn Tuồng. May mắn là tôi trúng tuyển và lên Hà Nội theo học chuyên nghiệp. Tình cờ thế nào Quyên cũng thi tuyển cùng khóa với tôi và chúng tôi lại được học chung lớp. Nghề diễn viên đòi hỏi luyện tập chung mỗi ngày, bởi vậy nên ngày đó tôi và Quyên lúc nào cũng có mặt ở phòng tập cùng nhau. Tập với nhau nhiều, chúng tôi bắt đầu dành thời gian nói chuyện, đi ăn cơm bụi, từ đó dần hiểu, quý mến rồi yêu nhau, chung thủy cho đến tận bây giờ. Năm nay cũng là vừa tròn 20 năm chúng tôi kết hôn.
Hỏi: Việc cùng làm nghệ sĩ và công tác tại Nhà hát Tuồng mang lại thuận lợi và khó khăn gì cho anh chị?
NSƯT Nguyễn Quyên: Là bạn nghề, chúng tôi có thể thấu hiểu và chia sẻ với nhau mọi buồn vui của đời nghệ sĩ. Người ngoài nghề thường khó cảm nhận được áp lực cũng như môi trường làm việc của chúng tôi, dễ dẫn đến những bất đồng. Nhưng vì cùng chung lĩnh vực, chúng tôi luôn đồng hành, động viên và góp ý cho nhau trong cả đời sống lẫn công việc.
NSƯT Trần Long: Tất nhiên, việc cả hai cùng làm diễn viên cũng mang lại nhiều cái vất vả, nhất là khi con còn nhỏ. Nhiều lúc vợ chồng có lịch diễn dài ngày trùng nhau, không biết để con cho ai trông. Những lúc đó, chúng tôi phải bàn bạc, sắp xếp để một người ở nhà chăm con. Chính vì lịch làm việc tương đồng, chúng tôi cần cân đối sao cho cân bằng giữa thời gian đi làm và thời gian dành cho gia đình.
Hỏi: Là một cặp vợ chồng ngoài đời, điều đó có giúp anh chị kết nối tốt hơn khi diễn các phân cảnh tình yêu của Loan Trinh và Quang Du không?
NSƯT Nguyễn Quyên: Chúng tôi diễn các cảnh tình yêu rất ăn ý. Từ thời còn học ở trường, chúng tôi đã thường xuyên được phân vai đào và kép, đóng cặp với nhau trong nhiều vở diễn. Sau nhiều năm đồng hành, chúng tôi có cơ hội hóa thân thành các cặp nhân vật trong những vở như “Triệu Đình Long cứu chúa,” “An Tư Công chúa,” hay “Mục Quế Anh dâng cây.” Việc đóng chung với chúng tôi gần như đã trở thành một thói quen.
Hỏi: Anh chị cảm thấy có điểm nào tương đồng giữa mình và nhân vật Loan Trinh, Quang Du trong vở “Đoạn thâm tình”?
NSƯT Nguyễn Quyên: Loan Trinh là vai đào thương – nhân vật nữ nhẹ nhàng, đa cảm. Đây là kiểu vai tôi thường đảm nhận nên đã quen thuộc với cách diễn, cách hát, khá thuận lợi để nhập vai.
Hỏi: Vậy đặc điểm nào của 2 nhân vật khiến anh chị cảm thấy khó khăn nhất trong việc hóa thân?
NSƯT Trần Long: Điểm khó nhất đối với tôi là tuổi tác. Quang Du mới chỉ 20, 21 tuổi, trong khi tôi đã ngoài 40. Làm sao để tái hiện được cái tinh thần trẻ trung, nhiệt huyết của nhân vật là điều không đơn giản. Tôi cũng dành thời gian nghiên cứu kỹ về gia thế, tính cách của Quang Du – một người văn võ song toàn, xuất thân gia giáo. Từ giọng nói, giọng hát đến cách biểu đạt trên sân khấu, tôi đều cố gắng chăm chút từng chi tiết.
Hỏi: Tuồng là nghệ thuật truyền thống khá kén khán giả. Anh chị đã vượt qua thử thách để theo đuổi đam mê này như thế nào?
NSƯT Trần Long: Khán giả Tuồng hiện nay không nhiều. Cũng vì đó mà chúng tôi không ít lần trăn trở về kinh tế gia đình, nhất là khi sống ở thủ đô. Nhiều lúc tôi cũng đi hát, làm đạo diễn hay dẫn chương trình để tăng thêm thu nhập. Nhưng đó là khó khăn chung của đại đa số nghệ sĩ truyền thống. Những khoảnh khắc thăng hoa trên sân khấu, nhất là khi nhận được bó hoa hay tràng pháo tay nồng nhiệt và yêu thương từ khán giả, là khi mọi vất vả của chúng tôi được bù đắp. Điều may mắn lớn nhất là chúng tôi được sống với đam mê, được nhìn thấy cống hiến của mình thật sự chạm tới trái tim của những người yêu nghệ thuật.
- Tuồng Cổ Xưa | Những Trích Đoạn Tuồng Hay Nhất | Nhà Hát Tuồng Việt Nam
- Chương Trình Giới Thiệu Nghệ Thuật Tuồng Với Khán Giả Trẻ 1 – Nhà Hát Tuồng Việt Nam
- Chương Trình Giới Thiệu Nghệ Thuật Tuồng Với Khán Giả Trẻ 2 – Nhà Hát Tuồng Việt Nam
- Chương Trình Giới Thiệu Nghệ Thuật Tuồng Với Khán Giả Trẻ 3 – Nhà Hát Tuồng Việt Nam
- Nhà hát Tuồng Việt Nam kết thúc chuyến “lưu diễn” đầy cảm xúc