“Behind the Stage” là một chuyên mục hoàn toàn mới của Nhà hát Tuồng Việt Nam, nơi sẽ giới thiệu tới Quý khán giả những thăng trầm, tâm huyết, những câu chuyện đầy cảm xúc đằng sau tấm màn sân khấu của những người nghệ sĩ hết mình về nghệ thuật Tuồng. Nhà hát hy vọng rằng từng kỳ Behind the Stage sẽ đưa Quý khán giả đến gần hơn với tập thể anh chị em nghệ sĩ, phản ánh chân thật những câu chuyện của những người mang nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị của nghệ thuật Tuồng Việt Nam.
Ở kỳ này, Nhà hát Tuồng Việt Nam xin giới thiệu tới khán giả những chia sẻ đầy tâm huyết của diễn viên Nguyễn Thị Thanh Phương, người sẽ đóng vai nữ chính – Đào Tam Xuân trong vở diễn ra mắt vào ngày 27.1.2024.
Sau 10 lần hoá thân vào vai người nữ tướng kiên trung “báo phu cừu” trên sân khấu của Nhà hát Tuồng Việt Nam, điều gì ở vai diễn đã để lại trong lòng nữ diễn viên 9x của Đoàn Tuồng thể nghiệm những ấn tượng sâu sắc nhất?
Hỏi: Chị đã từng diễn vở Đào Tam Xuân bao nhiêu lần? Trong quá trình xử lý vai diễn, đâu là nét tính cách của nhân vật mà chị cảm thấy khó lột tả nhất?
Đáp: Mình từng diễn vở này khoảng 10 lần, trong 5 năm được đứng trên sân khấu Nhà hát Tuồng Việt Nam. Dù vậy, mình vẫn luôn luôn cảm thấy thật khó để lột tả được hết được sự trưởng thành, đĩnh đạc của nhân vật nữ tướng này. Đây là một nhân vật nữ tướng vừa tài ba vừa quyền lực, lại cùng chồng con xông pha trận mạc nữa. Là một diễn viên trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, mình chưa bao giờ thôi cảm thấy rằng, thật khó để có thể đĩnh đạc như Đào Tam Xuân.
Hỏi: Chị có kết nối hay kỷ niệm gì đặc biệt với vai diễn này không? Trong những lần diễn vai Đào Tam Xuân, buổi biểu diễn nào đã để lại trong chị những ấn tượng không thể nào quên?
Đáp: Có lẽ đây là vai mà mình yêu thích nhất, kể từ thời đi học nghề Tuồng đến bây giờ. Câu thoại nào của Đào Tam Xuân cũng đầy thống thiết, khiến mình phải bật khóc mỗi khi nghĩ đến. Vậy nên, với cá nhân mình, buổi biểu diễn ấn tượng nhất có lẽ là đêm diễn tốt nghiệp của mình. Lúc đó mình mới học xong bốn năm, vừa đắm chìm trong từng vai diễn, từng câu thoại, lại vừa tràn đầy khát khao có được sự công nhận của thầy cô, anh chị em đồng nghiệp. Mình đã thật sự có một đêm nhập tâm và cháy hết mình cùng vai diễn, nhờ tổng hoà được tất cả những cảm xúc đó lại với nhau.
Hỏi: Có bài học gì chị học ra được từ vai diễn Đào Tam Xuân mà vẫn còn giá trị cho cuộc sống của bản thân ở thời đại hôm nay không?
Đáp: Câu chuyện của vở Đào Tam Xuân đã dạy mình rằng, chúng ta hãy sống tỉnh táo trong tất cả các mối quan hệ. Đừng như Triệu Khuông Dẫn, vì quá yêu vợ, say sưa với vợ mà để vợ thay mình đóng ấn, lỡ tay sát hại người huynh đệ và con trai, trong đó có cả một người huynh đệ thân thiết đã cùng mình lập nên cơ nghiệp đế vương. Cũng không nên trung thành đến mức mù quáng như Trịnh Ân: thay vì người ta bảo chết là mình chết, thì chúng ta có thể tìm những cách nhẹ nhàng hơn để giải quyết vấn đề. Làm người lãnh đạo, sống trong tập thể thì phải luôn luôn giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo, không mù quáng – đó là điều mình học được ở câu chuyện của Đào Tam Xuân.
Hỏi: Khi vở Tuồng khép lại, rốt cuộc nhân vật Đào Tam Xuân vẫn gạt bỏ đi nỗi đau riêng để vì dân, vì nước mà đánh giặc. Liệu cái kết này có khiến chị cảm thấy tiếc nuối cho số phận của người nữ tướng trung kiên?
Đáp: Có chứ, mình tiếc nuối rất nhiều. Trong phân cảnh Đào Tam Xuân vừa quyết định sẽ kéo quân về triều hỏi vua vì sao chồng chết, khi mình ngồi sau cánh gà, mình lắng nghe những lời thoại của Cao Hoài Đức chất vấn Triệu Khuông Dẫn, vừa nghe vừa khóc. Mình cảm thấy như mình đang thực sự đi suốt một đoạn đường dài từ biên ải trở về kinh đô, từng bước chân nặng trĩu bởi nỗi đau nỗi đau mất chồng con, nỗi đau đủ sức đánh gục một người phụ nữ anh hùng tiết liệt. Một người phải hứng chịu nỗi mất mát lớn lao như thế, cuối cùng vẫn gạt bỏ hết nỗi đau riêng để xả thân vì đại nghĩa nơi chiến trường. Dẫu biết rằng dù ở thời đại nào, bối cảnh lịch sử nào thì lợi ích tập thể cũng phải đặt lên trước hết, nhưng cá nhân mình vẫn cảm thấy quá đỗi đau xót và tiếc nuối cho số phận của nữ tướng Đào Tam Xuân.
Hỏi: Đối với chị, đâu là khó khăn lớn nhất khi chị bước ra sân khấu và thực hiện vai diễn?
Đáp: Đối với mình, khó nhất là làm thế nào để mình thực sự sống trong nhân vật. Nếu như chỉ diễn “theo bài”, từ A cứ nhất nhất phải đến B, nhất nhất phải tuân theo những gì được dạy ở trường lớp, thì sẽ rất khó để mình sống trong nhân vật và đưa nhân vật chạm đến trái tim người xem. Tuy vậy, cũng có những lúc mình phải kìm lòng lại, tiết chế những hỉ nộ ái ố trong lòng khi nhập vai. Điển hình chính là cảnh Đào Tam Xuân nhận tin chồng con mất ở kinh đô: lần nào mình diễn, mình cũng khóc cho nhân vật, nhưng mình vẫn phải “khóc nghệ thuật”. Kể cả khi vai mình diễn đang phải đón nhận một nỗi đau quá sức lớn lao, mình cũng không quên giữ hình tượng cho nhân vật. Mình chỉ cho phép bản thân mình cúi mặt xuống sàn, khóc cho nhân vật trong một khoảnh khắc ngắn ngủi mà thôi.
Hỏi: Trong suốt những năm trình diễn tại Nhà hát Tuồng, có bao giờ chị tin rằng phần thể hiện của mình đã chạm được đến trái tim của khán giả không?
Đáp: Thường thì mình ít khi để ý đến khán phòng trong lúc đang trình diễn, vì điều này sẽ khiến mình giảm khả năng tập trung và khó nhập vai hơn. Chỉ sau khi buổi biểu diễn kết thúc, khi Nhà hát mời khán giả lên chụp ảnh cùng đoàn nghệ sĩ, mình mới để ý thấy có những người lên đến sân khấu mà vẫn còn khóc cho nhân vật. Đó chính là lúc mình tin rằng, những thông điệp mình truyền tải đã chạm được tới trái tim khán giả. Đó cũng là điều mong mỏi lớn nhất, không chỉ đối với mình, mà còn đối với đông đảo anh chị em, cô chú diễn viên tại Nhà hát: được chạm đến trái tim khán giả, thuyết phục được khán giả đến xem biểu diễn và quan tâm tới bộ môn nghệ thuật truyền thống này nhiều hơn. Mình đã và đang cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình, trong nỗ lực chung của tập thể Nhà hát, để hiện thực hoá điều mong mỏi đó. Hy vọng rằng những nỗ lực, những chia sẻ của mình có thể truyền được ngọn lửa đam mê Tuồng nói riêng và nghệ thuật dân gian nói chung tới các bạn khán giả trẻ.
- Châu Sáng Qua Sông | Trích Đoạn Tuồng Đặc Sắc Nhất | Nhà Hát Tuồng Việt Nam
- Gặp Gỡ Diễn Viên Truyền Hình – Nhà hát Tuồng Việt Nam trên kênh VTV3
- Chính Thức Mở Bán Vé Chương Trình Nghệ Thuật Đa Giác Quan “Dấu Thiêng Hà Nội”
- Trích Đoạn Tuồng Hồ Nguyệt Cô Hóa Cáo – Nhà Hát Tuồng Việt Nam | Tuồng Cổ Xưa Hay Nhất
- Trích Đoạn Tuồng Hay Nhất: Ngũ Biến – Kim Lân Qua Đèo – Tỷ Can Dâng Gan | Nhà Hát Tuồng Việt Nam