Truyền thống – Truyền thông: Hai dòng chảy cùng một mạch nguồn

Có những dòng sông chảy qua bao miền đất, dù có đổi dòng, chia nhánh nhưng vẫn không ngừng tìm đường ra biển lớn. Truyền thống và truyền thông cũng tựa như dòng sông kia, thoạt nghe qua như hai dòng chảy trái ngược nhau: khi giữa một bên có tính cổ điển, bên kia có tính hiện đại. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn cả hai đều bắt nguồn từ cùng một mạch là khao khát lan truyền những điều có ý nghĩa. 

Đặc biệt, với nghệ thuật tuồng – một loại hình kịch hát cổ truyền, khi gặp gỡ truyền thông đã mở ra những khả thể mới, giúp cho tuồng tiếp cận với thời đại ngày nay. 

Nghệ thuật tuồng truyền thống, từ dòng chảy của truyền thống tinh hoa 

Tuồng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu tổng hợp có các yếu tố văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa,… Để phân biệt với các loại kịch nói, kịch múa, kịch câm… thì người ta xếp tuồng vào loại kịch hát dân tộc. Ở tuồng mang đặc trưng của tính tự sự và mĩ cảm phương Đông khi lấy ước lệ và cách điệu là tiêu chí nghệ thuật trình diễn cơ bản. Từ cách diễn xuất cho tới âm nhạc của tuồng đều được gọt giữa, chuẩn chỉnh để đạt đến sự tinh luyện cao độ. 

“Tinh hoa” trong tuồng trước hết nằm ở những câu chuyện mà tuồng kể. Tuồng thường chú trọng xây dựng hình tượng trung thần, nghĩa sĩ, nữ tướng – những con người sẵn sàng hy sinh thân mình vì quốc gia. Thế nên, ở tuồng truyền thống luôn gợi nhắc cho khán giả về giá trị mẫu mực: trung, hiếu, tiết, nghĩa như một cách gián tiếp giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ sau. 

Bên cạnh đó, giá trị “tinh hoa” ở tuồng còn nằm ở những quy ước được quán triệt thành hệ thống biểu diễn như trong hóa trang, phục trang, đạo cụ và những động tác hình thể. Một chiếc roi quất ngựa có thể hóa thành một chiến mã, một dáng đi cũng có thể gợi mở cảnh quan mà nhân vật đang đứng. Vì vậy mà sân khấu tuồng không cần phải bày trí cầu kỳ mà vẫn dựng lên trong tâm trí khán giả một thế giới đầy sống động.

Đến truyền thông, một dòng chảy hiện đại và đầy mới mẻ.

Trong xu thế toàn cầu hóa ngày nay, chúng ta tiếp xúc với các nền văn hóa mới trên thế giới, vì vậy mà đời sống nghệ thuật của công chúng hiện đại vô cùng đa dạng và hấp dẫn. Vì vậy với một loại hình nghệ thuật mang tính “bác học” như tuồng, sẽ bị rơi vào tình thế lưỡng nan khi vừa phải giữ được nét quy phạm của thể loại vừa phải đổi mới để hợp thời. Điều này có nghĩa, nếu như một bộ phận khán giả đi coi tuồng mà họ không bắt được ngôn ngữ kể chuyện của tuồng, không thấy được vẻ đẹp trong tính ước lệ ở tuồng thì sẽ dẫn tới chán nản và mất dần kết nối với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Thế nên, nếu chúng ta coi nghệ thuật tuồng là một dòng chảy của truyền thống tinh hoa thì truyền thông chính là dòng chảy hiện đại giúp cho tuồng truyền thống kết nối gần gũi với thế hệ trẻ – người sẽ gìn giữ những di sản của dân tộc trong tương lai. 

Hình ảnh minh hoá ứng dụng truyền thống trong truyền thông

Hình ảnh minh hoá ứng dụng truyền thống trong truyền thông

Với sự xuất hiện của các nền tảng số như Youtube, Tiktok, mạng xã hội đã giúp các trích đoạn tuồng, những câu chuyện đằng sau hậu trường,…được tiếp cận rộng rãi với mọi khán thính giả ở mọi miền tổ quốc. Các khán thính giả có thể coi đi coi lại tuồng nhiều lần để có thể nghiền ngẫm vẻ đẹp có trong tuồng. Không chỉ dừng lại ở đó, truyền thông còn mở ra được những hướng tiếp cận mới cho khán giả với những sản phẩm âm nhạc có kết hợp âm nhạc dân gian hoặc lấy cảm hứng từ một tác phẩm tuồng, chẳng hạn như vở diễn “Sơn Hậu – Beyond the mountain”, vở diễn “Cõi thinh không”, vở diễn “Đối diện với vô cùng”,… Bên cạnh đó có những dự án về phim ảnh, vẽ tranh, kể chuyện tuồng bằng infographic và những podcast kể chuyện về tuồng. Tuy nhiên, những sáng tạo ấy không làm mất đi bản sắc của tuồng mà chính là cách cảm nhận của thế hệ trẻ về tuồng, một bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời được cựa mình trong thời đại 4.0. Đa số các bạn trẻ đều giữ được những chừng mực và không đi quá quy phạm của tuồng, không làm cho tuồng biến chất thành xấu xa, ngược lại họ chỉ đang đồng kiến tạo hơi thở hiện đại với truyền thống. 

Hình ảnh minh hoá ứng dụng truyền thống trong truyền thông

Hình ảnh minh hoá ứng dụng truyền thống trong truyền thông

Ngoài ra, truyền thông có cơ hội mở ra một cộng đồng yêu tuồng, nơi mà các hội nhóm Facebook chia sẻ những bài viết nghiên cứu về tuồng để cùng học hỏi và tiếp tục lưu giữ di sản tinh hoa của dân tộc. Có lẽ vì vậy mà truyền thông như người mở cửa cho truyền thống đến gần với kỷ nguyên số ngày nay. 

Tóm lại, nhờ truyền thông mà truyền thống điển hình như nghệ thuật tuồng không ngừng được lưu giữ, bảo tồn mà còn được cấp thêm một chất liệu sống mới. Qua truyền thông, chúng ta thấy được nghệ thuật tuồng có sức chuyển hóa và kết nối với các bộ môn nghệ thuật khác vô cùng đa dạng. Truyền thống giờ đây không còn là những giá trị khô khan, cứng nhắc mà đã bứt phá hòa nhịp với nếp sống hiện đại làm sống dậy những tinh hoa đã được cha ông ta hun đúc nên. 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *